Hồi giữa tuần, Jamie Carragher đưa ra góc nhìn gây sốc khi cho rằng Gary Neville và Roy Keane đang ngầm bảo vệ đồng đội cũ Ole Solskjaer khi hạn chế chỉ trích thuyền trưởng của MU trên sóng truyền hình.
Góc nhìn này như thường lệ tạo ra nhiều tranh cãi. Song khi MU thua Leicester City 2-4 ở vòng 8 Premier League tối 16/10, Neville dường như cũng không thể chịu nổi hình ảnh bạc nhược từ đội bóng con cưng.
“MU không đủ tốt. Họ là đội bóng yếu nhất trong số những CLB nằm ở tốp đầu về khả năng pressing. MU thực tế còn không làm điều đó”, Neville chỉ trích.
Phía trước De Gea là nỗi thất vọng
Những lời lẽ căng thẳng từ Neville hoàn toàn xác đáng với “Quỷ đỏ” lúc này. Một đội bóng sở hữu Cristiano Ronaldo, Jadon Sancho, Bruno Fernandes, Paul Pogba, Marcus Rashford, Mason Greenwood và cả Edinson Cavani nhưng cầu thủ chơi hay và ổn định nhất lại là David de Gea thì thật khó để tiến lên.
Trước Leicester, MU gần như vỡ vụn trước áp lực. Bộ đôi tiền vệ Paul Pogba và Nemanja Matic gần như không thể kiểm soát trung lộ khi thường xuyên bị chọc thủng bằng các đường chuyền xuyên tuyến.
Aaron Wan-Bissaka chơi một trận tồi tệ khi liên tục bị qua mặt. Sancho mờ nhạt như thường lệ khi bị thay ra sớm. Ngay cả siêu sao Ronaldo cũng chỉ để lại nỗi thất vọng với hàng loạt pha bỏ lỡ ngon ăn bởi sức rướn không đủ tốt trước các đường chuyền thừa lực từ đồng đội.
Song người đá tệ nhất trận của MU là thủ quân Harry Maguire. Anh mắc lỗi lớn trong bàn thua đầu tiên khi đứng chờ bóng, liên tục chuyền hỏng và bị đối thủ qua mặt. Trên thực tế, việc Maguire đá chính là bất ngờ với giới quan sát bởi trung vệ này chưa bình phục hoàn toàn chấn thương.
Thái độ chơi bóng dè dặt cùng những sai lầm liên tiếp Maguire mắc phải để lại dấu hỏi lớn về quyết định đưa trung vệ này ra sân từ đầu của Solskjaer. Trong phòng họp báo sau trận, nhà cầm quân người Na Uy nhấn mạnh Maguire "cần hiệp một để làm quen nhịp độ" và "chơi hay hơn ở phần còn lại".
Không biết Solskjaer lấy lạc quan từ đâu để đưa ra nhận định này. Song rõ ràng việc tung ra sân một cầu thủ cần 45 phút để làm quen với trận đấu không phải quyết định sáng suốt. Chưa kể đó lại là Maguire, người đóng vai trò quan trọng trong hàng phòng ngự MU.
Leicester dĩ nhiên không bỏ qua miếng mồi ngon này. Họ liên tục đánh thẳng vào vị trí của Maguire, buộc trung vệ này mắc sai lầm, nghiền nát sự tự tin của Maguire bằng các tiếng huýt sáo và la ó trên khán đài. Hệ quả rất rõ ràng: MU bại trận thứ hai tại Premier League mùa này và lần đầu nhận 4 bàn thua kể từ thất bại 2-4 trước Liverpool hồi tháng 5.
Zach Lowy, cây bút của Breaking The Lines, đặt câu hỏi về cách vận hành của MU: "Các cầu thủ MU làm gì trong các buổi tập vậy? Chơi 'đèn đỏ, đèn xanh', kéo co hay tách kẹo đường? Chắc chắn không thể là tập chơi bóng được".
Jonathan Wilson, người giữ thái độ nhất quán về tài năng của Ole Solskjaer, ngay cả trong thời điểm MU thăng hoa nhất thì nhận định trên Guardian: "Solskjaer không thể sống sót bằng thiện chí và những ký ức cũ". Quan điểm của Wilson được trình bày ngắn gọn: MU đã thua Leicester toàn diện trong cuộc đấu chiến thuật và vấn đề cố hữu của "Quỷ đỏ" ở hàng tiền vệ tiếp tục báo hại đội bóng này.
Phụ thuộc vào Ronaldo
Ronaldo đã ở đâu trong trận thua của MU trước Leicester? CR7 đã chơi trọn 90 phút, tung ra 3 cú sút nhưng chỉ một đi trúng đích. Siêu sao người Bồ Đào Nha thực tế đã có những cơ hội rõ rệt nhưng sức rướn suy giảm thấy rõ trong các pha xử lý quyết định khiến mọi thứ không như ý.
Ronaldo đã tịt ngòi 3 trận liên tiếp. MU đều không thắng trong các trận này. Điều này có ngẫu nhiên? Câu trả lời là không. Trước trận hòa Everton 1-1, Athletic đưa ra thống kê Ronaldo là tiền đạo lười phòng ngự nhất tại Premier League.
Số lần CR7 giành lại quyền kiểm soát bóng từ chân đối phương là 2,7 lần/trận, chỉ bằng 1/4 con số của Son Heung-min hay Mohamed Salah. Ronaldo hiếm khi phòng ngự bởi anh muốn giữ sức để bùng nổ trong quãng thời gian cuối trận. Ở tuổi 36, CR7 không thể liên tục bứt tốc và chạy khắp mặt sân như 6 năm đầu sự nghiệp khoác áo MU.
Tư duy của Ronaldo là hợp lý với cá nhân anh nhưng nó kéo lùi sự phát triển của MU. Hệ thống pressing vốn không quá xuất sắc của "Quỷ đỏ" sau sự xuất hiện của Ronaldo trở nên càng tồi tệ. Trận thua trước Leicester là một ví dụ điển hình. Bộ ba trung vệ Jonny Evans, Caglar Soyuncu, Daniel Amartey của Leicester không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc triển khai bóng, kéo theo việc MU liên tục bị tấn công vỗ mặt.
Những mùa giải trước, MU trình diễn thứ bóng đá phản công tốc độ nhờ sức trẻ trên hàng công. Juergen Klopp từng coi MU là đội bóng "nhanh nhất tại Premier League". Giờ thì MU đang thi đấu chậm hơn, không còn tốc độ nữa khi Ronaldo xuất hiện.
Sancho đã được ngắm nghía suốt nhiều mùa giải trước khi được mang về sân Old Trafford. Tiền vệ người Anh được kỳ vọng sẽ khiến hàng công MU chơi bóng ngày một tốc độ, song việc đưa Ronaldo trở lại vào những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng khiến mọi thứ đổ bể.
Tại Dortmund, Sancho dọn cỗ cho Erling Haaland, tiền đạo di chuyển và bứt tốc liên tục trong suốt 90 phút. Ở Old Trafford, Sancho phải cố gắng thích nghi với Ronaldo, người chỉ bứt tốc khi anh thực sự muốn.
Thay vì xây dựng một kế hoạch rõ ràng để phát triển, MU đã chọn tin vào Ronaldo, tin vào những khoảnh khắc kiệt xuất từ đôi chân của CR7. Xây dựng đội bóng theo phong cách này không sai hoàn toàn nhưng rất khó để thành công ở một giải đấu đòi hỏi cao như Premier League.
Cú đá mở tỷ số trước Leicester của Mason Greenwood là hình ảnh phản chiếu cho lối chơi này: đẹp nhưng không phản ánh chính xác thế trận thực tế trên sân.
MU không thể vô địch bằng những pha bóng manh mún như thế. Và Solskjaer cũng khó có thể giữ ghế lâu hơn nếu tiếp tục đưa ra các quyết định sai lầm về nhân sự cũng như chiến thuật trước Leicester.
Athletic tiết lộ Solskjaer vẫn nhận được sự ủng hộ từ đội ngũ lãnh đạo MU và chưa bị sa thải. Song nếu không có lửa, khói sẽ không thể xuất hiện trên bầu trời. Khi những lời bác bỏ về khả năng sa thải Solskjaer bắt đầu được đưa ra, rất có thể suy nghĩ đuổi việc Ole đang bắt đầu xuất hiện trên bàn làm việc của những nhân vật chóp bu tại Old Trafford.
Nhật Anh