Ở Đức, nỗi đau của Borussia Dortmund là chuyện bình thường của Bayern Munich. Ngày cuối cùng của mùa giải Bundesliga vừa qua kịch tính đến kinh ngạc nhưng kết cục lại rất quen thuộc. Bayern vô địch Đức lần thứ 11 liên tiếp. Ở Italy, kỷ lục là 9 lần do Juventus thực hiện thập kỷ qua. Ở Pháp, đó cũng là 7 lần liên tiếp do Lyon thiết lập tại Lyon trước khi PSG về tay giới tài phiệt Tây Á, tất cả đều diễn ra trong những năm 2000. Ở Tây Ban Nha, 5 danh hiệu liên tiếp của Real Madrid – đạt được một lần vào đầu những năm 1960, sau đó một lần nữa vào cuối những năm 1980.
Ở Anh, câu chuyện hoàn toàn khác khi con số tối đa chỉ là 3. Đã có tổng cộng 6 sáu cú hat-trick vô địch nhưng không đội nào giành được poker. Nghĩa là tính cạnh tranh này đã tồn tại suốt 135 năm qua. Điều đó có nghĩa là Man.City có thể đi vào vùng đất chưa từng ai chạm đến. Trên thực tế, bóng đá Anh đã xuất hiện các thời kỳ mà một CLB gần như có thể vô địch ngay từ lúc khai mùa. Huddersfield (giai đoạn 1923-26), Arsenal (1932-35), Liverpool (1981-84), Man. United (1998-2001 và 2006-09). Tuy nhiên, vẫn có những mẫu số chung để ngăn cản khả năng vô địch mùa thứ 4 liên tiếp.
Liverpool thiết lập cú hattrick của họ vào mùa giải 1983-84, rồi sau đó đá 7 trận không thắng ở mùa giải kế tiếp. Man.United đã giành được cú ăn ba trong mùa giải 2008-09 và đã thua năm trận vào Giáng sinh mùa giải tiếp theo. Người ta thống kê Man.United chơi 179 trận trong ba mùa giải mà họ lên gôi vô địch, điều đó có thể khiến họ kiệt sức. Giờ đây, Man.City bắt đầu mùa giải này sau khi chơi 180 trận trong ba năm qua.
Tất cả các đội bóng từng lập hattrick đều có HLV rất giỏi, xây dựng được đội hình mạnh và nhiều chiều sâu, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Chỉ có điều, ngày trước Huddersfield và Arsenal đều không mua bất cứ ai để bắt đầu vào mùa giải thứ 4, thị trường chuyển nhượng khi đó không vận hành theo cách bây giờ. Đây là cơ sở để Man.City kỳ vọng bởi như đã thấy dù vừa thực hiện cú ăn 3 lịch sử họ vẫn tiếp tục bỏ tiền cho các vị trí cần được nâng cấp. Nhưng việc đồng ý để Gundogan ra đi có vẻ là tín hiệu xấu.
Hồi năm 1984, tiền vệ kiêm đội trưởng Graeme Souness rời Liverpool đến Sampdoria. Alex Ferguson bán Jaap Stam năm 2001 – một quyết định sau đó ông thừa nhận là sai lầm – và cũng Man.United mất cả C.Ronaldo và lẫn Carlos Tevez năm 2009. Những cầu thủ trụ cột không chỉ đem đến chất lượng thi đấu mà họ chính là linh hồn của khao khát chiến thắng dài hạn thông qua số thời gian họ phục vụ CLB. Người khác thay thế có thể giỏi hơn, nhưng chưa chắc đã hiểu cái ý nghĩa của chức vô địch lần thứ 4 sẽ thế nào.
Một yếu tố khác dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của Pep Guardiola và thực sự là không thể biết được cách phòng tránh, đó là chấn thương của cầu thủ. Vào năm 1927, Huddersfield sa sút vào cuối mùa giải khi họ mất đội trưởng Clem Stephenson, Billy Smith, và Scot Alex Jackson thế là số bàn thắng dần cạn kiệt. Những chấn thương của Arsenal lên đến con số 9 ở mùa 1935-1936. Đối với Liverpool, Ian Rush đã ghi 47 bàn trong mùa 1983-1984, nhưng chấn thương khiến ông chỉ còn ghi được 14 bàn vào mùa giải tiếp theo. Chấn thương nổi tiếng nhất trong mùa 2001-2002 của Man.United là ở cổ chân của David Beckham nhưng đáng kể nhất có lẽ là ở đầu gối của Roy Keane. Đến mùa 2009-2010 thì Man.United ngập trong chấn thương bao gồm Wayne Rooney, Darren Fletcher, Michael Carrick. Hãy thử tưởng tượng chấn thương xuất hiện với Erling Haaland, ngay cả khi Man.City đã chứng minh rằng họ có thể giành danh hiệu với số 9 ảo hoặc đá không tiền đạo nhưng rủi ro vẫn là rủi ro.
Và cuối cùng, có thứ mà Pep Guardiola cũng không thể kiểm soát đó là sự xuất sắc của một đối thủ nào đó. Hầu hết các đội không dành được cú poker chỉ vì ở mùa bóng thứ 4 xuất hiện đối thủ quá hoàn hảo. Đâu là đội bóng ấy ở mùa giải sắp đến để ngăn cản Man.City?
HỒ VIỆT