Manchester United sẽ chạm trán Spurs ở trận chung kết Europa League. (Ảnh: Europa League)
Trận đấu trị giá 100 triệu bảng Anh
Manchester United và Tottenham Spurs từng có những thời điểm được xem là hai trong số sáu đội bóng mạnh nhất Ngoại hạng Anh. Thế nhưng, việc cặp đôi này đang dắt tay nhau đứng ở hai vị trí thứ 15 và 16 trên bảng xếp hạng cho thấy quá trình tuột dốc không phanh.
Với việc chỉ xếp trên West Ham và nhóm ba đội xuống hạng, mùa giải tồi tệ của Man United và Spurs có khả năng được cứu rỗi nhờ trận chung kết Europa League tới đây. Như một sự sắp đặt trớ trêu của số phận, đấu trường châu Âu đang ghép nối hai câu lạc bộ và hai huấn luyện viên lại với nhau, những người rất cần chiếc cúp và chiến lợi phẩm từ nó.
Xét về khả năng bảo vệ bản thân, Europa League quan trọng hơn đối với Ange Postecoglou. Ông đã nắm quyền tại Spurs được hai năm và đang mất dần sự tin tưởng của người hâm mộ. Ngày 21/5 được xem là Ngày phán xét đối với chiếc ghế nóng của ông thầy người Australia. Ở phía còn lại, Ruben Amorim đang trong mùa giải chuyển giao quyền lực. Một thất bại nữa cũng không phải điều gì quá mức khó chịu khiến ban huấn luyện quyết định sa thải ông.
Song, về mặt tài chính, Man United đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng khác hẳn với sự ổn định của Spurs suốt nhiều năm. Man United là câu lạc bộ đang bị nợ nần bủa vây. Đội bóng liên tục sa thải nhân sự và chính phần thưởng từ chiếc cúp, hay quan trọng hơn là số tiền UEFA chi trả (nếu được tham dự Champions League mùa giải sau) chắc chắn sẽ là thứ ban lãnh đạo đội bóng vô cùng thèm muốn.
Champions League trở nên vô cùng hấp dẫn về mặt lợi nhuận, từ khi thay đổi thể thức. (Ảnh: Champions League)
Cả Ange Postecoglou và Ruben Amorim đều hiểu suất tham gia Champions League giúp việc tuyển dụng dễ dàng hơn. Những cầu thủ ưu tú sẽ hứng thú hơn nếu bạn có thể giúp họ cạnh tranh ở đấu trường số 1 Lục địa già. Cộng thêm ưu đãi về tài chính, chiếc cúp Europa League sẽ là món hời cứu rỗi đội bóng cũng như tham vọng cải tổ đội hình của hai câu lạc bộ.
Để phân tích kỹ hơn, nếu đủ điều kiện tham dự Champions League, họ sẽ kiếm được 15,8 triệu bảng. Ở giai đoạn giải đấu, mỗi chiến thắng có giá trị 1,8 triệu bảng và mỗi trận hòa sẽ mang về 600.000 bảng. Nhích thêm một bậc trên bảng xếp hạng sẽ kiếm thêm 234.000 bảng, với tổng số tiền có thể lên tới 8,4 triệu bảng nếu bạn giữ được vị trí dẫn đầu cho tới vòng knock-out.
Trụ cột giá trị của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), hay các khoản phân phối tập trung dựa trên thành tích và thứ hạng lịch sử của châu Âu, cũng là những khoản thưởng hậu hĩnh với hai đội bóng. Manu và Spurs có thể được chi trả tới 38 triệu bảng nhờ thành tích của họ ở đấu trường châu Âu trong quá khứ.
Real Madrid từng giành được số tiền kỷ lục dựa trên trụ cột giá trị. (Ảnh: Champions League)
Nếu lọt vòng 16 đội, 9,3 triệu bảng là khoản thưởng cho thành tích này. Sau đó, số tiền thưởng sẽ tiếp tục tăng lên tới 10,6 triệu bảng cho vòng tứ kết, 12,7 triệu bảng cho vòng bán kết, 15,7 triệu bảng cho trận chung kết và 5,5 triệu bảng cho đội chiến thắng.
Vì vậy, trận chung kết Europa League sắp tới giữa Man United và Spurs không phải cuộc đọ sức thông thường. Các chuyên gia ước tính các khoản thu nhập vào ngày thi đấu cộng thêm các hợp đồng thương mại... sẽ khiến cuộc đụng độ tại sân vận động San Mames trị giá 100 triệu bảng hoặc hơn. Spurs và Man United sẽ phải dồn toàn lực để tranh đoạt phần thưởng này.
Man United - Chiến thắng hay chìm sâu trong cơn khủng hoảng
Tại Ngoại hạng Anh mùa giải 2024-2025, Quỷ đỏ thành Manchester đã hết hy vọng giành một vị trí ở nửa trên bảng xếp hạng để tham dự Europa League hoặc Conference League. Siêu máy tính Opta Analyst đánh giá cơ hội của Manu chỉ còn 1,2%.
Thất bại trước Fulham ở loạt sút luân lưu vòng năm FA Cup cũng khiến con đường khác để trở lại châu Âu đóng lại. Nếu không vô địch Europa League, đội bóng áo đỏ sẽ có lần tiếp theo vắng bóng tại các giải đấu châu lục kể từ mùa giải 2014-2015, và xa hơn là mùa 1989-1990, một viễn cảnh khó chấp nhận với một câu lạc bộ từng thống trị bóng đá Anh và châu Âu.
Nếu để thua ở trận chung kết Europa League, tác động tài chính của việc vắng mặt tại Champions League sẽ là rất lớn. Man United đã lỗ tổng cộng 373 triệu bảng trong 5 năm qua (2019-2024), với khoản lỗ 115,5 triệu bảng trong mùa giải 2022-2023, theo báo cáo tài chính của câu lạc bộ.
Do doanh thu năm 2023-2024 đạt 661,8 triệu bảng, giảm 8% so với năm trước do không tham dự Champions League, Man United đã phải cắt giảm nhân sự và giảm 25% lương cầu thủ đội 1 để cân bằng ngân sách.
Theo nhà báo Laurie Whitwell, câu lạc bộ còn lên kế hoạch sa thải thêm hai cầu thủ kỳ cựu để giảm gánh nặng quỹ lương, hiện giữ ở mức 332 triệu bảng/năm – cao thứ 2 Ngoại hạng Anh sau Manchester City (422 triệu bảng).
Man United sẽ sa thải thêm cầu thủ để giảm gánh nặng quỹ lương. (Ảnh: MUFC)
Champions League là nguồn thu nhập quan trọng để United ổn định tài chính. Nếu tham dự giải đấu này và tiến tới tứ kết, họ có thể kiếm được 85,8 triệu bảng. Số tiền này bao gồm: 15,8 triệu bảng phí khởi điểm, 10,8 triệu bảng nếu giành được cả sáu chiến thắng ở giai đoạn giải đấu, 9,3 triệu bảng từ vòng 16 đội, 10,6 triệu bảng từ tứ kết, 38 triệu bảng từ “trụ cột giá trị”, và bốn trận sân nhà sẽ mang về 20 triệu bảng doanh thu ngày thi đấu.
Nếu không tham dự, Man United sẽ mất toàn bộ khoản thu này, chỉ còn lại doanh thu phát sóng từ Ngoại hạng Anh (khoảng 150 triệu bảng/năm) và doanh thu thương mại (257 triệu bảng mùa 2023-2024, giảm 5% so với năm trước).
Việc không thể góp mặt ở đấu trường châu Âu cũng gây ra những hậu quả thương mại nghiêm trọng. Hợp đồng với Adidas trị giá 90 triệu bảng mỗi năm sẽ bị khấu trừ 10 triệu bảng ở mùa bóng đội không tham dự Champions League, bắt đầu từ năm 2025-2026. Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như Qualcomm (20 triệu bảng/năm) có thể yêu cầu giảm giá trị hợp đồng, làm tổn thất thêm 5-7 triệu bảng.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu ở đấu trường châu Âu của United từng đạt đỉnh 93,1 triệu bảng vào mùa giải 2018-2019 (khi họ lọt vào tứ kết Champions League), nhưng đã giảm xuống chỉ còn 20,9 triệu bảng ở mùa giải 2019-2020 khi họ chỉ giành vé tham dự Europa League. Trung bình, doanh thu ở cúp châu Âu của United giảm 37,6 triệu bảng mỗi năm khi không tham dự Champions League, một khoản thâm hụt khó bù đắp trong bối cảnh tài chính hiện tại.
Nhận thức rõ điều này, ông thầy Ruben Amorim cũng không giấu giếm tầm quan trọng của trận đấu: “Champions League có thể thay đổi mọi thứ, đặc biệt là ngân sách cho mùa tới. Chúng tôi cần nguồn tiền này để lập kế hoạch dài hạn”.
Nếu thua ở chung kết Europa League, United không chỉ mất cơ hội tài chính mà còn đối mặt với nguy cơ suy giảm vị thế, khó thu hút cầu thủ chất lượng và làm hài lòng nhà đầu tư.
Man United mong muốn cải tổ đội hình để tiếp tục cạnh tranh danh hiệu. (Ảnh: MUFC)
Tottenham và "cơn bão" phía sau cánh gà
Dù được đánh giá là một trong những câu lạc bộ được quản trị tốt nhất Ngoại hạng Anh (theo Chỉ số Fair Game năm 2023), Spurs đang trải qua giai đoạn khó khăn cả trên sân cỏ lẫn tài chính.
Tại Ngoại hạng Anh mùa giải 2024-2025, họ thua hơn nửa số trận thi đấu, qua đó xếp gần sát nhóm cuối bảng thay vì có thể cạnh tranh trong nhóm dẫn đầu. Nếu không cải thiện, đây sẽ là mùa giải tệ nhất của Gà trống kể từ năm 1994. Huấn luyện viên Ange Postecoglou, sau hai năm cầm quân, đang mất dần niềm tin từ người hâm mộ, và trận chung kết Europa League có thể sẽ là “Ngày phán xét” quyết định tương lai của ông.
Về mặt tài chính, Spurs có doanh thu ấn tượng 528,4 triệu bảng mùa 2023-2024, tăng 152% so với mùa 2015-2016 (209,8 triệu bảng), nhờ sức hút của sân vận động Tottenham Hotspur Stadium. Doanh thu ngày thi đấu đạt 105 triệu bảng, nằm trong top 4 câu lạc bộ Anh, chỉ sau Manchester United (126 triệu bảng Anh), Liverpool (109 triệu bảng Anh) và Arsenal (107 triệu bảng Anh).
Doanh thu thương mại đạt kỷ lục 255,1 triệu bảng Anh, tăng 195,3 triệu bảng trong thập kỷ qua, nhờ các sự kiện không phải bóng đá như 10 trận NFL (doanh thu 15 triệu bảng), các buổi hòa nhạc (20 triệu bảng), và tổ chức thi đấu quyền anh hạng nặng (5 triệu bảng). Spurs cũng gia hạn hợp đồng với NFL đến năm 2030 và sẽ tổ chức các trận đấu Euro 2028, dự kiến mang về thêm 30 triệu bảng mỗi năm.
Tuy nhiên, Spurs không tránh khỏi khó khăn tài chính. Câu lạc bộ đã lỗ 329,9 triệu bảng từ năm 2019 đến năm 2024, với khoản lỗ 26 triệu bảng mùa 2023-2024. Dù họ đã cải thiện 73% khoản lỗ so với năm trước nhờ bán Harry Kane cho Bayern Munich (82,3 triệu bảng Anh lợi nhuận), chi phí khấu hao sân vận động (1,5 tỷ bảng) là gánh nặng lớn, với 213,9 triệu bảng Anh trong chu kỳ PSR giai đoạn 2022-2024.
NFL tổ chức tại sân Tottenham Hotspur mang đến nguồn doanh thu ấn tượng cho Spurs. (Ảnh: NFL)
Spurs chi 29,7 triệu bảng tiền lãi vay mỗi năm, tổng cộng là 163,9 triệu bảng tính từ năm 2016, do khoản nợ 872,1 triệu bảng (chủ yếu đến từ việc xây sân vận động mới Tottenham Hotspur Stadium. Dù nợ được cấu trúc tốt với ngày trả trung bình vào năm 2042, áp lực lãi vay vẫn ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của họ.
Chưa hết, Spurs đã chi 830,3 triệu bảng cho việc chuyển nhượng trong năm mùa gần đây, với kỷ lục 272,2 triệu bảng mùa 2023-2024. Dù được xem như đội bóng chi tiền vô cùng khôn ngoan, khoản nợ chuyển nhượng ròng 279,3 triệu bảng (cao nhất Ngoại hạng Anh) sẽ hạn chế ngân sách mua sắm sắp tới.
Vì những lý do ấy, Chủ tịch Daniel Levy từng phát biểu rằng: “Chúng tôi không thể chi tiêu vượt doanh thu hoạt động. Sự ổn định tài chính luôn là ưu tiên hàng đầu”.
Đó là câu trả lời khiến các huấn luyện viên nổi tiếng không mấy hài lòng, bởi họ không thể có đủ nguồn lực để cạnh tranh cho các danh hiệu. Và điều đó cũng chính là nguyên nhân giải thích cho sự lao dốc không phanh của Spurs mùa giải này, khi ông thầy Postecoglu không có đủ nhân sự để xoay tua khi đội hình chính của Spurs gặp quá nhiều ca chấn thương.
Việc kiểm soát chi tiêu cũng khiến Spurs không quá cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng. (Ảnh: Tottenham Hotspurs)
Tuy nhiên, trái ngược với Man United, quỹ lương 221,9 triệu bảng (giảm 12% so với năm trước) là thấp nhất trong nhóm Big Six, với tỷ lệ lương trên doanh thu đạt 42%, thấp nhất Ngoại hạng Anh.
Điều này cho thấy Spurs là đội bóng quản trị cực kỳ tốt, đồng thời giúp họ tuân thủ luật PSR (giới hạn lỗ trong khoảng 105 triệu bảng). Thế nhưng, nỗ lực kiểm soát quỹ lương cũng khiến họ khó cạnh tranh với các đối thủ như Newcastle hay Aston Villa, với quỹ lương lần lượt là 260 và 245 triệu bảng.
Nếu không tham dự Champions League, Spurs sẽ mất khoản thu 85-100 triệu bảng, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và thu hút cầu thủ tài năng trong mùa giải tới. Doanh thu ở cúp châu Âu của họ từng đạt 94 triệu bảng mùa giải 2018-2019 nhờ việc lọt vào trận chung kết Champions League.
Con số này sẽ giảm xuống còn 35 triệu bảng trong năm nay, với điều kiện họ chiến thắng Man United ở cuộc đọ sức chung kết Europa League vào lúc 2 giờ rạng sáng ngày 22/5 tới đây.
MINH PHÚ