Chelsea đang có chính sách mua bán hoàn toàn mới dưới thời của chủ tịch Todd Boehly, với phong cách mua bán hết sức mạnh mẽ: bán nhiều mà mua cũng nhiều. Nhưng khi mà danh sách cầu thủ đã lên tới con số hơn 40 người, thì người ta không khỏi đặt ra câu hỏi, liệu số lượng có tỷ lệ thuận với chất lượng của đội bóng hay không?
Cho tới thời điểm hiện tại, chắc chắc tân huấn luyện viên Enzo Maresca của câu lạc bộ Chelsea đang rất đau đầu với những gì đang phải đối mặt trong mùa giải đầu tiên. Cơn đau đầu này không chỉ đến từ việc phải làm quen với môi trường mới, câu lạc bộ mới, sức ép từ chiến thắng và danh hiệu cũng hoàn toàn mới, thì ngay cả việc lựa chọn đội hình ra sân cũng đã là một vấn đề không nhỏ rồi. Bởi danh sách đội hình của Chelsea ở thời điểm hiện tại đã lên tới con số 44, con số mà hay nói vui là họ có thể chia làm 4 đội hình tự đá với nhau.
Con số 44 này đến từ chính sách mua bán khá lạ của chủ tịch Todd Boehly, khi ông mua bán cầu thủ như là một… đam mê. Kể từ khi trở thành ông chủ của câu lạc bộ Chelsea, không có kỳ chuyển nhượng nào mà ông không đưa về hàng loạt tân binh, biến Chelsea luôn là câu lạc bộ có số tiền đổ vào thị trường chuyển nhượng nằm trong nhóm cao nhất. Đồng ý là Todd Boehly cũng rất mát tay trong việc mua bán và thương lượng chi phí lương bổng của cầu thủ, khi chênh lệch chi phí mua bán cũng như lương bổng của các cầu thủ Chelsea thì vẫn không hề cao, vẫn không vi phạm Luật công bằng tài chính dù mua bán rất nhiều. Nhưng như vậy đã là đủ để biến Chelsea trở thành một câu lạc bộ mạnh hay chưa?
Cứ lấy trận đấu đầu tiên của Chelsea tại Ngoại Hạng Anh mùa giải mới 2024 - 2025 là biết đội bóng này có mạnh hay không, khi đối thủ của họ là nhà vô địch Manchester City không thể cho ra sân với đội hình mạnh nhất. Cứ nhìn vào đội hình mà Pep Guardiola cho ra sân là biết, khi gần một nửa đội hình thi đấu ngay từ đầu là thuộc về tân binh, cầu thủ trẻ và cầu thủ dự bị. Những Mateo Kovacic, Savinho, Wilson Lewis, Josko Gvardiol, Manuel Akanji, Jeremy Doku… sẽ khó mà được thi đấu ngay từ đầu trước Chelsea, nếu như những Phil Foden, Nathan Ake, Jack Grealish, Kyle Walker, Rodri… có đầy đủ thể lực sau khi chinh chiến tại Euro 2024 cùng đội tuyển quốc gia.
Đối đầu với một Manchester City không phải mạnh nhất, có thể cho ra sân đội hình xem như là mạnh nhất trong tay khi đây xem như là bộ khung chính dưới tay Mauricio Pochettino mùa giải trước, nhưng rõ ràng là thầy trò tân huấn luyện viên Enzo Maresca không thể tạo nên bất cứ ưu thế nào trước nửa xanh thành Manchester. Với một thế trận có thể xem là ngang nhau, các nhà đương kim vô địch chỉ đơn giản là làm được điều mà các cầu thủ Chelsea không thể làm được: biến những cơ hội thành bàn thắng.
Có thể thấy, dù có nhiều cầu thủ trong tay như vậy, Chelsea vẫn không có nổi một tiền đạo cắm cho ra hồn, khi phải trông cậy vào một Nicolas Jackson nổi danh… chân gỗ. Hàng tiền vệ nếu chỉ kể tên ra thì rất mạnh với những Enzo Fernandez, Romeo Lavia, Christopher Nkunku, Moises Caicedo, Cole Palmer…, nhưng trên thực tế thì chẳng mấy khi đá chung với nhau. Hàng hậu vệ thì càng không cần phải nói, khi những cái tên được xem là trụ cột thì cả mùa giải cũng không đá được mấy trận.
Một Chelsea như vậy thì người hâm mộ có thể trông đợi được gì? Người xưa có câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nghĩa là quý ở tinh nhuệ chứ không phải quý ở số lượng nhiều, nên số lượng cầu thủ của Chelsea có nhiều mấy đi nữa mà mà không đủ chất lượng về mặt cá nhân cũng như tập thể, thì vẫn như là một nắm cát rời không thể phát huy được 100% sức mạnh vốn có. Người hâm mộ chỉ có thể trông đợi vào một lời kết từ phong cách mua bán cầu thủ của chủ tịch Todd Boehly, hoặc tân huấn luyện viên Enzo Maresca có thể tìm được lời giải cho bài toán rối rắm này. Nếu không thì có lẽ Chelsea vẫn sẽ phải quay cuồng trong một mớ bòng bong mà chưa biết lối ra nằm ở phương nào.
CAO DUY