Manchester City từng thống trị giải thưởng này với bốn lần liên tiếp sở hữu người thắng cuộc gần đây, trong đó Kevin De Bruyne giành giải hai lần.
Tuy nhiên, ở mùa này, không có cầu thủ Man City nào lọt vào danh sách tám đề cử.
Mohamed Salah và Virgil van Dijk là hai cái tên duy nhất trong danh sách từng giành giải thưởng này trước đó. Liệu một trong hai sẽ trở thành cầu thủ thứ năm trong lịch sử hai lần đoạt giải, hay chiến thắng sẽ thuộc về một gương mặt mới?
Dưới đây là phân tích về mùa giải của từng ứng viên:
Morgan Gibbs-White (Nottingham Forest): “Nhạc trưởng trẻ” giúp Forest viết lại giấc mơ châu Âu
Morgan Gibbs-White là nhân tố chủ chốt giúp Nottingham Forest có mùa giải ấn tượng, khi đội bóng này đã giành vé dự cúp châu Âu mùa tới.
Anh là một trong hai cầu thủ Forest xuất hiện trong danh sách đề cử. Màn trình diễn xuất sắc giúp Gibbs-White được gọi lên ĐT Anh và ra mắt Tam Sư vào tháng 9 năm ngoái.
Gibbs-White ghi 6 bàn và có 8 pha kiến tạo, trở thành cầu thủ đầu tiên của Forest đạt trên 10 lần tham gia bàn thắng trong 3 mùa Ngoại hạng Anh liên tiếp. Anh cũng dẫn đầu đội về số cơ hội tạo ra (50), số pha tạo cơ hội từ bóng sống (48) và chỉ đứng sau Chris Wood về số cú sút (58).
Gibbs-White còn là cầu thủ tham gia vào nhiều pha tấn công kết thúc bằng cú dứt điểm nhất Forest (141 tình huống).
Thống kê chỉ ra Gibbs-White là cầu thủ tham gia vào nhiều tình huống tấn công dẫn đến pha dứt điểm nhất Nottingham Forest
Ryan Gravenberch (Liverpool): Từ nghi ngờ đến điểm tựa giữa sân Anfield
Ban đầu, nhiều ý kiến hoài nghi khả năng thành công của Ryan Gravenberch tại Liverpool sau mùa đầu tiên mờ nhạt dưới thời Klopp. Tuy nhiên, HLV Arne Slot đã nâng tầm tiền vệ người Hà Lan kể từ khi tiếp nhiệm.
Slot kéo Gravenberch lùi sâu, từ vị trí số 8 xuống số 6, và điều đó trở thành bước ngoặt. Gravenberch trở thành mắt xích chủ lực trong việc giành lại bóng ngay bên phần sân đối phương, với 44 pha đoạt bóng ở khu vực cao, nhiều nhất đội.
Anh cũng dẫn đầu Liverpool về số pha thu hồi bóng (185 lần) và đứng nhì toàn giải về số lần cắt bóng (57 lần), chỉ sau Aaron Wan-Bissaka (61, West Ham).
Biểu đồ các pha cắt bóng của Gravenberch
Alexander Isak (Newcastle United): Cỗ máy ghi bàn thách thức lịch sử “Chích chòe”
Được đề cử lần thứ hai liên tiếp, Alexander Isak hy vọng phong độ ghi bàn thăng hoa mùa này sẽ giúp anh lần đầu tiên giành giải.
Isak ghi 23 bàn tại Ngoại hạng Anh cho Newcastle – nhiều hơn 2 bàn so với mùa trước. Chỉ có Andrew Cole (34 bàn, 1993-94), Les Ferdinand (25 bàn, 1995-96) và Alan Shearer (25 bàn, 1996-97) ghi nhiều bàn hơn cho Newcastle trong một mùa Ngoại hạng Anh.
Nếu không tính phạt đền, Isak có 19 bàn, bằng với Salah và Haaland. Anh đạt chỉ số bàn thắng kỳ vọng không tính penalty (non-penalty xG) là 0,58 mỗi 90 phút chỉ thấp hơn Haaland (0,65).
Ngoài ra, anh rất tích cực pressing. Isak gây sức ép 438 lần ở 1/3 sân đối phương, chỉ xếp sau Dominic Solanke (538).
Nếu chiến thắng, Isak sẽ là cầu thủ Newcastle đầu tiên và cầu thủ Thụy Điển thứ hai sau Freddie Ljungberg (2001-02) đoạt danh hiệu này.
Chỉ số tấn công của Alexander Isak
Bryan Mbeumo (Brentford): Ngôi sao toàn năng của “Bầy ong”
Bryan Mbeumo trở thành cầu thủ Brentford đầu tiên được đề cử Cầu thủ xuất sắc nhất mùa. Anh đã có mùa giải rực rỡ cho "Bầy ong".
Mbeumo ra sân đủ cả mùa và ghi 18 bàn, bằng Yoane Wissa, nhưng còn có 7 pha kiến tạo – vượt trội hơn Wissa (3 kiến tạo). Anh cũng dẫn đầu Brentford về số cơ hội tạo ra (67).
Mbeumo còn thi đấu bền bỉ khi di chuyển tổng cộng 367,9 km – chỉ đứng sau Bruno Guimaraẽs (396,7 km) toàn giải. Anh cũng có 816 pha nước rút và 976 pha di chuyển không bóng, nhiều nhất Ngoại hạng Anh.
Nếu chiến thắng, anh sẽ là cầu thủ châu Phi thứ hai sau Salah (2017-18) được vinh danh.
Chỉ số ghi bàn của Bryan Mbeumo tại Ngoại hạng Anh 2024/25
Declan Rice (Arsenal): Trái tim của “Pháo thủ” và ông vua bóng chết
Dù Arsenal trắng tay mùa này, Declan Rice chứng minh mức phí 100 triệu bảng hoàn toàn xứng đáng.
Rice tạo ra 56 cơ hội và đạt 5,5 kỳ vọng kiến tạo (xA), cao nhất trong sự nghiệp. Đặc biệt, anh rất nguy hiểm từ các tình huống cố định: chỉ Andreas Pereira (37) và Bruno Fernandes (29) tạo nhiều cơ hội từ phạt góc, đá phạt hơn Rice (26).
Không có ai tạo ra tổng kỳ vọng bàn thắng từ đá phạt nhiều hơn Rice (3,3 xG) mùa này.
Rice cũng là cầu thủ Arsenal có số lần thu hồi bóng nhiều nhất mỗi 90 phút (4,9) và di chuyển trung bình 11,1 km/trận, chỉ sau đội trưởng Ødegaard (11,3 km).
Biểu đồ đường chuyền kiến tạo của Declan Rice
Mohamed Salah (Liverpool): Sát thủ không tuổi – Kỷ lục và huyền thoại
Ở tuổi 33, Salah vẫn tiếp tục thống trị Ngoại hạng Anh. Dưới thời tân HLV Arne Slot, anh ghi dấu ấn mạnh mẽ khi góp công vào 46 bàn thắng (28 bàn, 18 kiến tạo), phá kỷ lục cũ trong một mùa 38 trận.
Salah ghi 28 bàn, nhiều hơn người xếp thứ hai 5 bàn, dù 9 trong số đó từ chấm penalty. Anh cũng đã leo lên thứ năm trong danh sách ghi bàn mọi thời đại Ngoại hạng Anh với 185 bàn, chỉ kém 2 bàn so với Andy Cole (187).
Ngoài ra, Salah dẫn đầu giải về số cơ hội tạo ra từ bóng sống (82), số lần vừa ghi vừa kiến tạo trong cùng một trận (11 lần), phá sâu kỷ lục cũ (7 lần).
Anh cũng dẫn đầu Ngoại hạng Anh về số bàn thắng hoặc kiến tạo sau các pha đi bóng cá nhân (13 lần).
Chỉ số tấn công của Mohamed Salah
Virgil van Dijk (Liverpool): Thủ lĩnh phòng ngự và “bộ não chuyền bóng” của Liverpool
Virgil van Dijk đã trở thành đội trưởng người Hà Lan đầu tiên nâng cao danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh. Anh cũng là đội trưởng không phải người Anh đầu tiên dẫn Liverpool tới vinh quang.
Về khả năng phòng ngự, Van Dijk thắng 67,5% các pha tranh chấp tay đôi và 70,9% tranh chấp bóng bổng, chỉ sau Nikola Milenković và James Tarkowski.
Anh còn dẫn đầu giải về số đường chuyền (2.814) với tỷ lệ chính xác 91,7%, cùng 946 đường chuyền lên phía trước thành công.
Không ai có nhiều đường chuyền thành công vào 1/3 sân đối phương hơn Van Dijk (275 lần).
Biểu đồ tranh chấp của Van Dijk
Chris Wood (Nottingham Forest): “Sát thủ thầm lặng” và mùa giải hiệu quả nhất sự nghiệp
Cuối tuần trước, Chris Wood ghi dấu mốc 100 lần tham gia bàn thắng (89 bàn, 11 kiến tạo) ở Ngoại hạng Anh.
Anh cũng trở thành cầu thủ thứ hai trong lịch sử Forest ghi được 20 bàn tại một mùa Ngoại hạng Anh, sau Stan Collymore.
Wood đạt tỷ lệ chuyển hóa cơ hội cao nhất mùa này (28,3%) trong số các cầu thủ có từ 60 cú sút không phạt đền trở lên – thành tích tốt nhất kể từ năm 2003-04.
Bằng sự hiệu quả trước khung thành, Wood đã góp công lớn giúp Forest giành 62 điểm sau 36 vòng – nhiều hơn 29 điểm so với mùa 2023-24, mức cải thiện lớn nhất Ngoại hạng Anh.
Biểu đồ dứt điểm của Chris Wood
VẠN XUÂN