Năm 2001, đội bóng TP Trùng Khánh - gắn tên với thương hiệu hãng xe máy Lifan khi ấy bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam - đưa thủ quân đội Công An TP HCM Lê Huỳnh Đức sang chơi bóng 4 tháng, làm xôn xao giới hâm mộ bóng đá Việt Nam. Dù chỉ góp mặt với tư cách "đại sứ thương mại" trong thời gian ngắn (Trùng Khánh Lifan tăng cường 3 cầu thủ cho đội bóng Công An TP HCM như một sự trao đổi đôi bên cùng có lợi), Lê Huỳnh Đức khi đó vẫn học được nhiều bài học quý về bóng đá chuyên nghiệp.
Tồn tại gần 3 thập niên và cách đây 6 năm còn góp mặt trong tốp 6 đội bóng giàu nhất Trung Quốc, tháng 5-2022, Trùng Khánh Liangjiang Athletic (tên mới sau khi chia tay Lifan) chính thức giải thể trong tình cảnh kiệt quệ tài chính. Một trong những CLB lâu đời nhất của bóng đá xứ tỉ dân phải ôm khoản nợ 110 triệu USD và không thể trả lương cho cầu thủ trong suốt hơn một năm cho đến khi lâm vào cảnh phải tự xóa sổ.
Đoạn kết không có hậu của Trùng Khánh Liangjiang Athletic phản ánh những biến động cùng cực của giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc (Chinese Super League - CSL), một thời được xem là "thiên đường mới" của bóng đá thế giới, đặc biệt trong mắt các cầu thủ đến từ châu Âu hay Nam Mỹ.
Từ thập niên 2010, những người đứng đầu nền bóng đá nước này khởi động một chiến dịch rầm rộ nhằm khuếch trương thanh thế cho một "siêu cường bóng đá" sắp xuất hiện. Hàng loạt CLB sẵn sàng chi các khoản tiền khổng lồ để thu hút siêu sao từ nước ngoài. Họ đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn mà ngay cả các CLB hàng đầu châu Âu cũng khó đáp ứng.
Bằng cách này, CSL chiêu mộ thành công nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới với mức lương không tưởng như Graziano Pelle (Sơn Đông Luneng, lương 263.000 bảng/tuần), Hulk (Thượng Hải SIPG, 320.000 bảng/tuần), Carlos Tevez (Thượng Hải Shenhua, 634.615 bảng/tuần)…
Mạnh tay nhất có lẽ là Hồ Bắc China Fortune - đội bóng bỏ ra số tiền lương tuần kỷ lục 798.000 bảng để có chữ ký của ngôi sao người Argentina, Ezequiel Lavezzi.
Đó là câu chuyện của nhiều năm trước. CSL hiện phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của bóng đá thế giới. Nhiều đội bóng bị thua lỗ trong đại dịch Covid-19 khi giải đấu này bị dời, hoãn nhiều lần. Tập đoàn bất động sản hàng đầu Evergrande Group nợ khoảng 300 tỉ USD và hệ quả là CLB Quảng Châu Evergrande, từng 2 lần vô địch AFC Champions League, phải giải thể vào tháng 9-2021.
Việc nợ lương ở CSL là điều bình thường khi phần đông cầu thủ bị nợ lương vài tháng, có người không nhận xu nào trong nửa năm, đến độ Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) nhận được hơn 100 lá đơn kiện của các cầu thủ tố cáo về việc này.
Quy định mới về lương bổng do CFA ban hành vào năm 2020 đã khiến mức lương trần của ngoại binh lẫn nội binh ở CSL bị giảm đáng kể, nhiều đội không thể chi đậm để mua sắm cầu thủ như trong quá khứ. Chỉ có điều nỗ lực của CFA càng khiến bóng đá Trung Quốc suy sụp sau đại dịch. Tuyển Trung Quốc bị loại khỏi vòng chung kết World Cup 2022, chỉ xếp thứ 78 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng dưới cả đội bóng của các nước nhỏ và nghèo như El Salvador, Guinea, Bolivia…
Theo China Daily, đã có hơn 20 CLB bị gạch tên khỏi hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc, chủ yếu vì vấn đề tài chính, trong vòng 2 năm qua.
ĐÔNG LINH